Máy móc về tới cửa khẩu rồi bất động
Dự án Nhà máy luyện đồng Bản Qua có tổng vốn đầu tư hơn 3.900 tỉ đồng với công suất 20.000 tấn/năm của Tổng công ty khoáng sản TKV (thuộc Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam) đặt tại tỉnh Lào Cai theo kế hoạch sẽ chạy thử trước 30.6 để vận hành chính thức quý 3 năm nay.
Tuy nhiên, kế hoạch này nhiều khả năng phải dời lại do vật tư máy móc về nhà máy mới chỉ đạt 15%. Ước tính, 25% thiết bị đã về đến cửa khẩu Hà Khẩu - cách nhà máy chỉ 15 km nhưng chưa thể thông quan vì ảnh hưởng của
dịch Covid-19. Cùng với đó, 60% linh kiện, máy móc còn lại dự kiến nhập từ 13 địa phương của
Trung Quốc cũng chưa rõ ngày về gần biên giới. Điều này khiến cuối tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phải có văn bản hỏa tốc báo cáo Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ cho dự án trọng điểm của tỉnh này.
Đó chỉ là một trong rất nhiều dự án đang đình trệ do vi rút dịch Covid-19 gây ra. Cũng ngay chính tại địa phương này, một trong những dự án công nghiệp lớn là Nhà máy gang thép Lào Cai của Công ty CP VTM (một liên danh Tổng công ty thép Việt Nam cùng đối tác Trung Quốc) với công suất 500.000 tấn/năm cũng có nguy cơ dừng sản xuất trong 1 tuần tới vì thiếu than cốc vốn phải nhập từ Trung Quốc.
Ngày 4.3, trả lời Thanh Niên, lãnh đạo nhà máy cho hay nếu mỗi lần dừng sản xuất, khởi động lại thì thiệt hại sẽ lên đến cả trăm tỉ đồng. Do vậy, thay vì mỗi ngày phải nhập từ 800 - 1.000 tấn than cốc từ bên kia biên giới thì nhà máy đang phải mua vét từ các bạn hàng trong nước với số lượng rất nhỏ nhằm hoạt động cầm chừng, để tránh việc phải ngừng chạy máy.
Trong khi đó, theo phản ánh của hàng loạt đại diện hiệp hội ngành hàng tại cuộc họp với lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) diễn ra hôm qua (4.3) thì tình hình cũng không khá hơn. Bà Hoàng Ngọc Ánh, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may, cho biết ngoại trừ các doanh nghiệp (DN) lớn thuộc khối FDI đang được chủ nhãn hàng (là các tập đoàn đa quốc gia) đảm bảo nguyên phụ liệu đều đặn thì các DN trong nước, nhất là các công ty vừa và nhỏ đang đứng trước nguy cơ dừng hoạt động vào cuối tháng này.
Báo cáo của hiệp hội cho hay năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỉ USD bông các loại, 2,3 tỉ USD xơ, sợi, 12,69 tỉ USD vải các loại thì hàng nhập khẩu xơ sợi từ Trung Quốc là 1,32 tỉ USD (chiếm 57,39%);
nhập khẩu vải từ Trung Quốc và
Hàn Quốc lên tới 9,75 tỉ USD (chiếm tới gần 77%). Do vậy, trước tình hình dịch lan rộng sang cả Hàn Quốc, Nhật Bản thì nguy cơ rất lớn là đa số DN trong ngành phải dừng hoạt động vào đầu tháng 4 tới.
“Ông lớn” đa quốc gia cũng khốn đốn
Trong khi đó, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho biết với ngành điện - điện tử, tình hình còn bi đát hơn. Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 40 tỉ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản lên đến 31,3 tỉ USD, chiếm hơn 80%. Đây cũng chính là 3 quốc gia đang có dịch bùng phát mạnh nên DN càng ảnh hưởng nặng. Hiện nay, các DN điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất nhiều nhất là tới cuối tháng này.
Điện tử, dệt may đang thiếu nguyên phụ liệu
|